Sau 40 tuổi: Vun đắp ba loại tình bạn, cắt đứt ba kiểu tình thân
Huyết thống chưa chắc đã quan trọng hơn tâm hồn. Người thân chưa chắc đã đối xử với mình tốt hơn bạn bè. Vì vậy, chúng ta cần phải buông bỏ đi 3 kiểu “họ hàng” và vun đắp ba kiểu tình bạn sau.
Khổng Tử nói rằng: “Nếu 30 tuổi có thể tự lập, 40 tuổi sẽ không còn nghi hoặc trong lòng.” Bước vào tuổi trung niên, con người đã được nếm trải tình người ấm lạnh và dần hiểu ra đạo lý ở đời. Huyết thống chưa chắc đã quan trọng hơn tâm hồn. Người thân chưa chắc đã đối xử với mình tốt hơn bạn bè. Vì vậy, chúng ta cần phải buông bỏ đi 3 kiểu “họ hàng” và vun đắp ba kiểu tình bạn sau.
Ba kiểu quan hệ họ hàng cần buông bỏ
1. Tham phú phụ bần
Người xưa có câu: “Giàu sơn lâm lắm kẻ tìm đến, khó giữa chợ chẳng ma nào nhìn.” Lúc bạn nghèo khó, người ta khinh thường bạn. Lúc bạn giàu có, họ lại niềm nở chào đón bạn. Trong mắt họ, tình thân cũng phải đứng sau lợi ích.
Lúc nhỏ, những người họ hàng luôn là những người chiếm giữ một vị trí tốt đẹp và vô cùng quan trọng trong lòng chúng ta. Đến khi bước vào đời, bạn mới hiểu đây hóa ra cũng chỉ là một mối quan hệ “cộng sinh”. Bạn còn có lợi ích thì họ vẫn sẽ ở bên bạn. Nhưng họ sẽ trở mặt ngay khi không còn nhìn thấy lợi ích ở bạn nữa.
Lúc chưa thành danh, cuộc sống của Tô Tần chật vật đến mức phải đến nương nhờ nhà anh trai mình. Hàng ngày, ông phải đối diện với những lời đay nghiến, mỉa mai đến từ người chị dâu. Sau cùng, ông chịu không nổi và phải chuyển ra ngoài sống. Không lâu sau, Tô Tần đi du thuyết thành công 6 nước. Danh tiếng của ông vang xa khắp bốn phương. Ngày về thăm quê hương, người chị dâu lại thay đổi hoàn toàn thái độ với Tô Tần. Không những đích thân ra cổng thành nghênh đón, bà ta còn niềm nở ân cần khác hẳn với sự cay nghiệt của ngày xưa.
Lúc bạn đắc ý, họ đến tìm kiếm lợi ích từ bạn. Lúc bạn thất thế, họ liền xa lánh và thậm chí sẵn sàng hãm hại bạn. Người thân kiểu này, tốt nhất không nên đi lại nhiều.
2. Vong ân phụ nghĩa
Chúng ta giúp đỡ bạn bè và họ luôn khắc ghi trong lòng. Chúng ta giúp đỡ họ hàng, và người ta luôn coi đó là điểu hiển nhiên. Bạn giúp ít thì họ chê, mà giúp nhiều thì họ ỷ lại.
Một người bạn của tôi sống trong một gia đình khá giả. Cậu ấy có một người cậu suốt ngày chỉ thích rong chơi, không chú tâm làm ăn. Mẹ cậu ta vì thương em nên thường lén cho em mượn tiền đi làm ăn. Mấy năm sau, người đó cũng đã kiếm được ra tiền. Nhưng anh ta lại cứ mãi không chịu trả lại số tiền kia. Anh ta nói rằng: “Nhà chị giàu như vậy, mà lại còn cần đến số tiền đó sao?”. Cuối cùng, hai nhà vì chuyện này tranh cãi đến sứt mẻ tình cảm của đôi bên.
Vì vậy, đôi lúc chúng ta càng giúp đỡ người ta thì chưa chắc mình đã nhận lại nhân quả tốt. Giữa người thân với nhau, chúng ta nên hạn chế chuyện cho vay mượn tiền bạc. Nếu như giúp đỡ rồi mà không biết cảm ơn, thì mối quan hệ “họ hàng” kiểu này chúng ta cũng nên cắt đứt được rồi.
3. Không biết chừng mực
Mỗi năm tết đến, bên cạnh sự háo hức được về thăm nhà, chúng ta lại phải đối diện với những câu hỏi kiểu như “có người yêu chưa?” hay “lương tháng bao nhiêu?”. Nếu có người yêu rồi thì bạn bị giục cưới. Bạn cưới rồi thì bị giục sinh con. Bạn đã sinh một đứa rồi thì lại bị giục sinh 2 đứa. Những người họ hàng đến thăm nhà và luôn thích tò mò về những vấn đề riêng tư của bạn.
Cho dù quan hệ chả mấy thân thiết, nhưng tính tò mò của họ về bạn thì lại không có điểm dừng. Và rồi từ đây, những lời đồn vô căn cứ được họ thêm mắm thêm muối, đem truyền người này sang người khác. Người ta vẫn hay bảo có quý thì họ mới hỏi. Nhưng không biết trong lòng họ có là thật lòng mong cho bạn sống tốt hay chỉ là thỏa mãn tính tọc mạch của bản thân.
Ba kiểu tình bạn cần vun đắp
1. Tâm hồn đồng điệu
Giữa bạn bè với nhau, điều được coi trọng nhất vẫn là tâm hồn. Bạn quen biết nhiều người nhưng không bằng quen được một người ban hiểu mình.
Trên đường đến thăm mộ Huệ Tử, Trang Tử có kể một câu chuyện. Ngày trước, ở một vùng nọ có người dùng bùn trắng chát lên mũi thành một cái chóp. Sau đó, anh ta gọi một người thợ đá đến mang rìu chặt cái chóp trắng đó đi. Người thợ đá chỉ cần một nhát rìu, đã chặt phăng đi cái chóp trắng đó. Người còn lại mặt không hề biến sắc, vẫn cứ điềm tĩnh và bình thản. Sau khi biết chuyện, nhà vua liền triệu kiến người thợ đá và yêu vầu ông ta diễn lại cảnh đó. Nhưng ông ta đáp:”Khả năng của tôi vốn không có vấn đề gì. Nhưng kể từ khi người bạn diễn kia qua đời, tôi đã không thể tìm được ai cùng diễn với tôi nữa.”
Trang Tử than rằng: “Kể từ ngày Huệ Tử ra đi, đã rất lâu rồi không có người nào đàm đạo với ta.” Chúng ta sẽ không còn cô đơn nữa nếu như tìm được một kì phùng địch thủ hay một người bạn tâm giao cùng chung chí hướng trong đời.
Bạn bè không cần nhiều, chỉ cần một người hiểu mình là đủ. Hai linh hồn cô đơn cùng sưởi ấm cho nhau. Đây có lẽ là niềm vui lớn nhất của đời người.
2. Sẻ chia hoạn nạn
Lúc khó khăn là lúc ta nhìn rõ lòng người.
Ngay từ khi còn trẻ, danh tiếng của Tô Thức đã bay xa khắp kinh thành. Bạn bè của ông ở khắp mọi nơi. Nhưng sau khi thi án Điểu đài xảy ra, Tô Thức đã bị đày xuống Hoàng Châu. Những người bạn trước đây tuyệt nhiên không hề đoái hoài gì đến ông, vì họ sợ bị liên lụy. Nhưng Vương Phàm – người mà bị liên lụy nhiều nhất lại không hề xa lánh hay trách cứ Tô Thức. Hai người vẫn luôn giữ liên lạc với nhau qua những lá thư.
Thơ ca của Tô Thức vốn luôn tràn đầy lạc quan, bởi vì ông đã gửi hết sự bất mãn và đau khổ vào những lá thư viết cho Vương Phàm. Hai người tự chữa lành vết thương cho nhau bằng những lần đàm đạo nghệ thuật qua thư. Trải qua hoạn nạn, tình bạn hai người vẫn trước sau như một và không hề đổi thay.
Đường dài mới biết ngựa hay, sống lâu mới biết lòng người. Thời gian sẽ cho ai thấy ai là người thật lòng và ai là kẻ hai mặt. Đi đến sườn dốc bên kia của cuộc đời, ai rồi cũng đã nếm trải hết mọi ấm áp và lạnh lẽo của tình người. Bạn nhất định sẽ biết trân trọng những người bạn đã cùng mình trải qua khó khăn.
3. Chân thành, không giả dối
Sự chân thành luôn là nền tảng vững chắc để xây dựng bất cứ mối quan hệ nào.
Đến tuổi trung niên, con người vốn đã luôn mệt mỏi với các mối quan hệ xã giao. Nếu như giữa bạn bè với nhau, vẫn còn phải thử lòng nhau thì cuộc sống này chẳng còn gì vui vẻ nữa.
Muốn người đối xử với mình thế nào, mình hãy đối xử với người ta như thế. Bạn chân thành, tôi cũng sẽ chân thành. Chúng ta được làm bạn với những người chân thành thẳng thắn, bản thân không cần phải đề phòng. Người tự nhiên sẽ cảm thấy thoải mái và nhẹ nhõm. Gặp được những người thế này là điều không dễ, cho nên bạn nhất định phải thường xuyên vun đắp cho mối quan hệ này.
Đến tuổi trung niên, chúng ta trên có mẹ già, dưới có con trẻ. Những trọng trách và nghĩa vụ phải gánh vác ngày càng nhiều. Đừng phung phí thời gian của bản thân vào những người họ hàng ích kỉ! Bạn hãy đi tìm những người bạn thật sự xứng đáng để chúng ta trân trọng.